Âm nhạc là một trong những phương tiện hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ giáo dục đạo đức, thẩm mỹ, góp phần giáo dục học sinh toàn diện, hình thành nhân cách con người. Đồng thời, bước đầu hình thành khả năng cảm thụ, hiểu và thể hiện nghệ thuật âm nhạc, khơi dậy ở các em khả năng sáng tạo trong hoạt động âm nhạc,...
Bên cạnh đó, mục tiêu và nhiệm vụ của môn Âm nhạc ở nhà trường còn trang bị cho học sinh một số kiến thức về kỹ năng ca hát, đọc và nghe nhạc; về lý thuyết âm nhạc ở mức độ đơn giản để ở chừng mực nào đó, các em có thể tham gia các hoạt động âm nhạc của cộng đồng. Hình thành cho học sinh những hiểu biết sơ đẳng về cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật âm nhạc, ý nghĩa, tác dụng của âm nhạc với đời sống, đồng thời mở mang vốn hiểu biết về âm nhạc dân tộc Việt Nam, tinh hoa âm nhạc thế giới, góp phần bồi dưỡng tình cảm, đạo đức, trí tuệ, tạo không khí vui tươi, lành mạnh, làm phong phú thế giới tinh thần nhằm phát triển hài hòa, toàn diện nhân cách học sinh.
Giáo dục Âm nhạc là hình thức giáo dục nghệ thuật mang tính đặc thù. Nó có khả năng liên kết, sử dụng cũng như hỗ trợ, lồng vào tất cả hình thức, nội dung giáo dục khác, làm cho chúng đạt đến hiệu quả cao trong việc thực hiện những yêu cầu, mục tiêu giáo dục. Nó khơi dậy trong học sinh những cảm xúc hướng tới chân - thiện - mỹ.Ca hát là một hoạt động quan trọng, bản chất của nó là thông qua luyện tập giúp học sinh có tinh thần sảng khoái, ươm mầm những ước mơ tươi đẹp.
Khi trẻ em được tiếp xúc với các bài học về âm nhạc hàng tuần hay các lớp học nhạc nói chung sẽ nhận được rất nhiều lợi ích. Tất cả chúng ta đều thích ngắm nhìn những đứa trẻ tự do nhảy múa khắp phòng, hát theo những giai điệu mà chúng yêu thích bằng một giọng hát trong veo và khỏe mạnh. Âm nhạc rõ ràng là một phương tiện để thể hiện sự sáng tạo.
Dưới đây là một số hình ảnh tiết học âm nhạc lớp 1 của cô giáo Trương Thị Hồng Tươi với nội dung Trải nghiệm và khám phá: Vỗ tay theo cặp.
Tác giả: Hà Vy