Có trực tiếp tham dự tiết học được giáo viên giảng dạy theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" (BTNB), mới thấy được tính tích cực của phương pháp này. Trong suốt tiết học, cô và trò cùng nhau đưa ra vấn đề rồi giải quyết vấn đề rất sôi nổi. Một tiết học theo phương pháp BTNB được tiến hành theo 5 bước: tình huống xuất phát và câu hỏi nêu vấn đề; bộc lộ quan niệm ban đầu của học sinh; đề xuất câu hỏi hay giả thuyết và thiết kế phương án thực nghiệm; tiến hành thực nghiệm tìm tòi, nghiên cứu và kết luận kiến thức mới.
Đa số giáo viên trực tiếp giảng dạy theo phương pháp BTNB đều khẳng định rằng: "Phương pháp này đòi hỏi giáo viên và học sinh đều phải chủ động trong suốt tiết học. Giáo viên là người dẫn đắt, học sinh là người tìm hiểu ra vấn đề. Các em được tham gia các thí nghiệm, rồi tự đưa ra đánh giá, thảo luận so sánh kết quả với các bạn trong nhóm để đi đến kết quả. Hầu hết học sinh đều cảm thấy hứng thú, chủ động trong suốt quá trình thời gian của tiết học, nắm vững kiến thức, hiểu bài sâu hơn. Từ đó, tạo được kỹ năng nhanh nhạy, linh hoạt trong học tập cũng như tinh thần đoàn kết nhóm của các em".
Cô Trần Khánh Ly, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Long Hưng cho biết: "Nhà trường đưa phương pháp BTNB vào giảng dạy từ năm học 2014-2015. Lúc đầu cũng gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, giáo viên và học sinh chưa quen. Nhưng thấy được hiệu quả của phương pháp, nhà trường khắc phục khó khăn, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia các lớp tập huấn. Từ đó, giáo viên ngày càng linh hoạt ứng dụng những đồ dùng đơn giản nhất hiện có vào bài giảng; bên cạnh đó, hoàn toàn có thể tự làm thiết bị, đồ dùng dạy học từ những vật liệu sẵn có để phục vụ bài giảng. Hàng năm, nhà trường còn tổ chức hội giảng chuyên đề giảng dạy theo phương pháp BTNB. Qua thời gian thực hiện cho thấy, việc áp dụng phương pháp BTNB giúp học sinh được trải nghiệm nhiều hơn, giáo viên có thể khai thác những kiến thức trong đời sống thực tế của học sinh, từ đó giúp học sinh tự tìm hiểu và hình thành kiến thức mới của bài học. Tiết học nhờ vậy tạo được sự hứng thú cho học sinh vì bản thân các em tự tìm tòi để rút ra được tri thức. Tinh thần làm việc nhóm của học sinh cũng được phát huy tối đa".
Phương pháp BTNB áp dụng giảng dạy hiệu quả nhất và các môn học tự nhiên và xã hội, khoa học, lịch sử, địa lý ở bậc Tiểu học và THCS. Đa số các trường khi đưa phương pháp này vào giảng dạy đều phát huy được hiệu quả. Cô nhấn mạnh: "Để thực hiện được phương pháp BTNB đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng vững vàng và có khả năng linh hoạt để ứng phó với mọi tình huống xảy ra trong tiết học. Tập trung phát triển khả năng nhận thức của học sinh, giúp các em tìm ra lời giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ bằng cách tự đặt mình vào tình huống thực tế, từ đó khám phá ra bản chất vấn đề. Qua đó, học sinh sẽ hình thành khả năng suy luận theo phương pháp nghiên cứu từ nhỏ và hình thành tác phong, phương pháp làm việc khi trưởng thành."
Qua thực tế giảng dạy cho thấy: Phương pháp BTNB bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ nét. Phương pháp BTNB dẫn dắt học sinh đi từ chưa biết đến biết theo một phương pháp mới mẻ là để học sinh tiếp xúc với hiện tượng, sau đó giúp các em giải thích bằng cách tự mình tiến hành quan sát qua thực nghiệm. Trong trường, các đồng chí giáo viên có ý thức áp dụng phương pháp BTNB vào tiết học (nếu có thể) và ở cả những tiết kiểm tra chuyên đề theo kế hoạch, giáo viên đã mạnh dạn đưa vào bài học và đã đạt được kết quả như mong đợi.
Thầy và trò cùng dạy - học theo phương pháp "Bàn tay nặn bột" tại trường Tiểu học Long Hưng
Tác giả: Lê Thúy Tư