NGÀNH GIÁO DỤC VĂN GIANG VỚI CÔNG TÁC “ĐỀN ƠN ĐÁP NGHĨA”

               Trong hai cuộc kháng chiến, đã có nhiều thầy giáo quê hương Văn Giang xung phong nhập ngũ, tham gia chiến đấu, 11 thầy giáo đã anh dũng hi sinh. Tưởng nhớ, tri ân các nhà giáo liệt sĩ nói riêng và các anh hùng liệt sĩ, các đồng chí thương, bệnh binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, các gia đình có công với cách mạng nói chung là một trong những công tác được các nhà trường ở Văn Giang quan tâm thực hiện tốt.

Lúc sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có nói: “Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ và chúng ta phải luôn luôn học tập tinh thần dũng cảm của các liệt sĩ để vượt tất cả mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành sự nghiệp cách mạng mà các liệt sĩ đã chuyển lại cho chúng ta.(Hồ Chí Minh toàn tập, NXB CTQG, H.2000, tập 10, tr.3)

Và: “Ngày 27-7 là một ngày kỷ niệm. Mỗi năm đến ngày ấy, thì những người ái quốc Việt Nam càng tưởng nhớ đến anh em thương binh, tưởng nhớ đến các gia đình tử sĩ, tưởng nhớ đến những người vô danh anh hùng, hoặc đã hy sinh tính mệnh, hoặc đã góp một phần xương máu trong cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta” (Sách đã dẫn, tập 6, tr.75).

Thực hiện lời dạy của Người, nhằm ghi nhớ và tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc; giáo dục và phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” quý báu của dân tộc, trong nhiều năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo Văn Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa mỗi khi tháng Bảy về.

 Các đơn vị trường học đã làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, nhà giáo, người lao động về truyền thống đấu tranh cách mạng, sự hy sinh cao cả, cống hiến to lớn của các Anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người và gia đình có công với cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước; các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công. Tuyên truyền về những tấm gương nhà giáo thương binh, bệnh binh, nhà giáo là con Anh hùng liệt sĩ, thương binh điển hình tiên tiến vượt khó hoàn thành tốt nhiệm vụ và có nhiều thành tích xuất sắc; gương người tốt, việc tốt, gương tập thể, cá nhân tích cực trong việc tham gia phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng. Qua công tác tuyên truyền, đã nâng cao hơn nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động và các em học sinh về việc thực hiện tốt hơn nữa việc đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo tới các gia đình liệt sĩ, thương binh, gia đình có công với cách mạng và đặc biệt các gia đình nhà giáo Liệt sĩ, nhà giáo thương binh và gia đình nhà giáo có công với cách mạng trên địa bàn huyện.

Cùng với công tác tuyên truyền, giáo dục, hàng năm, các nhà trường, các tổ chức Đội Thiếu niên, Đoàn thanh nhiên thường xuyên thực hiện tốt các công tác như: Trang trí, vệ sinh, chăm sóc các công trình nghĩa trang liệt sĩ. Tổ chức lễ dâng hương các anh hùng liệt sĩ tại nghĩa trang liệt sĩ nhân dịp khai giảng năm học mới. Nhiều nhà trường cùng với Công đoàn cơ sở  tổ chức thăm, tặng quà tri ân các nhà giáo liệt sĩ, các nhà giáo thuộc gia đình chính sách, các gia đình có công với cách mạng; giúp đỡ, chia sẻ công việc cũng như những khó khăn của người có công trong cuộc sống hằng ngày.

Thầy và trò trường THCS Thắng Lợi dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Thắng Lợi ( ngày 26/3/2019)- Ảnh tư liệu

 

            Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nhiều nhà giáo Văn Giang đã rời bục giảng, xung phong vào chiến trường tham gia chiến đấu, trong số các thầy giáo lên đường ra mặt trận, có 11 thầy giáo anh dũng hi sinh, dâng hiến tuổi xuân cho đất nước. Chúng ta xúc động, tự hào và mãi ghi nhớ công lao của những người thầy liệt sĩ: Thầy Bùi Văn Điền, thầy Nguyễn Văn Thung, thầy Trần Văn Tuyển (Giáo viên Trường Tiểu học Thắng Lợi), thầy Nguyễn Văn Giang, thầy Đào Tất Thân (Giáo viên Trường Tiểu học Tân Tiến); thầy Lê Minh Liêm (Giáo viên Trường Tiểu học Xuân Quan); thầy Nguyễn Quốc Thuật (Giáo viên Trường Tiểu học Mễ Sở), thầy Nguyễn Thế Đức (Giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Trụ); thầy Đinh Văn Nghĩa (người xã Cửu Cao, Giáo viên Trường cấp 2 Tân Dân); thầy Chu Văn Chiến (người xã Vĩnh Khúc, giáo viên tiểu học ở Quỳnh Phụ, Thái Bình), và thầy Đào Ngọc Cáng (người xã Vĩnh Khúc, giáo viên Trường Tiểu học Tân Tiến, Cẩm Giàng).

          Ăn quả nhớ người trồng cây, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa là truyền thống đạo lý nhân ái quý báu có từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp này đã và đang được nhân dân phát huy từ đời này sang đời khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác. Ngành Giáo dục và Đào tạo Văn Giang đã và đang phát huy, tiếp nối truyền thống đó.