Thông báo

NGÀNH GIÁO DỤC VĂN GIANG HƯỞNG ỨNG CUỘC THI TÌM HIỂU VỀ QUÊ HƯƠNG HƯNG YÊN VỚI CHỦ ĐỀ "HƯNG YÊN TRUYỀN THỐNG VÀ PHÁT TRIỂN"

          Thực hiện Công văn số 51-CV/BTGHU ngày 15/6/2021 của Ban Tuyên giáo Huyện ủy về việc phát động tham gia Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển”, ngày 17/6/2021, Phòng Giáo dục và Đào tạo Văn Giang đã gửi Công văn số 225/GD&ĐT-TCCB tới các cơ sở giáo dục trên địa bàn, phát động toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh hưởng ứng tham gia cuộc thi trên.

         

           Đến nay, đa số các nhà trường đã triển khai Thể lệ “Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển”  tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, đồng thời động viên, khích lệ cán bộ, giáo viên, học sinh tham gia cuộc thi. Phòng Giáo dục và đào tạo sẽ tiến hành tập hợp bài dự thi Tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề “Hưng Yên truyền thống và phát triển” của đơn vị gửi vào ngày 17/9/2021và gửi về Ban Tuyên giáo Huyện ủy.

             Để giúp các thầy, cô giáo và các em học sinh hiểu rõ hơn về cuộc thi, chúng tôi xin đăng tải Câu hỏi, gợi ý đáp án Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên với chủ đề: “Hưng Yên truyền thống và phát triển”

CÂU HỎI

Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên

với chủ đề: “Hưng Yên truyền thống và phát triển”

(Gửi kèm Kế hoạch số 15 -KH/BTGTU ngày 09/6/2021 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

-----

Câu 1: Tỉnh Hưng Yên được thành lập năm nào? Ý nghĩa của sự kiện thành lập tỉnh Hưng Yên?

Câu 2: Những thay đổi về địa giới hành chính của tỉnh Hưng Yên từ khi thành lập tỉnh đến nay?

Câu 3: Những giá trị truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hưng Yên trải qua 190 năm xây dựng và phát triển?

Câu 4: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập trong hoàn cảnh nào? Ý nghĩa lịch sử và nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ tỉnh sau khi được thành lập?

Câu 5: Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã trải qua bao nhiêu kỳ đại hội? Thời gian diễn ra các kỳ đại hội đó?

Câu 6: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên, hãy kể những lần Người về thăm và làm việc đó?

Câu 7: Những kết quả nổi bật về kinh tế tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020? Trên cơ sở đó, nêu lên nhận định của cá nhân so với kinh tế thời điểm mới tái lập tỉnh?

Câu 8: Kết quả nổi bật của phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên đến năm 2020?

Câu 9: Quan điểm và định hướng phát triển tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025; tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2030, năm 2037, năm 2045 đã được chỉ ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX?

Câu 10: Viết lên cảm nhận của bản thân về những đổi thay của tỉnh Hưng Yên kể từ sau tái lập tỉnh đến nay? Với thực tế công việc hiện tại, bạn cần làm gì để góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới (bài viết không quá 1.000 từ) ?

Đảo Cò- An Vũ, Thành phố Hưng Yên

 

GỢI Ý ĐÁP ÁN

Cuộc thi tìm hiểu về quê hương Hưng Yên

với chủ đề: “Hưng Yên truyền thống và phát triển”

-----

   Câu 1: Tỉnh Hưng Yên được thành lập năm nào? Ý nghĩa của sự kiện thành lập tỉnh Hưng Yên?

  Gợi ý trả lời:

  - Tỉnh Hưng Yên được thành lập năm 1831, gồm có hai phủ: phủ Khoái Châu (gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ của trấn Sơn Nam) và phủ Tiên Hưng (gồm các huyện Tiên Lữ, Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định).

   - Ý nghĩa việc thành lập tỉnh:

+ Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, lần đầu tiên trong lịch sử, tên tỉnh Hưng Yên xuất hiện.

+ Thể hiện sự phát triển của vùng đất và con người nơi đây đã trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương.

Trấn Giang lâu- Đền Đa Hòa, Khoái Châu, Hưng Yên

 

Câu 2: Những thay đổi về địa giới hành chính của tỉnh Hưng Yên từ khi thành lập tỉnh đến nay?

Gợi ý trả lời:

- Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh Hưng Yên được thành lập, gồm hai phủ: phủ Khoái Châu (gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ của trấn Sơn Nam) và phủ Tiên Hưng (gồm các huyện Tiên Lữ, Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định).

- Ngày 25/2/1890, đạo Bãi Sậy được thành lập, gồm 4 huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Cẩm Lương, Văn Lâm, thủ phủ của đạo Bãi Sậy đặt tại Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào (nay là phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào).

- Ngày 21/3/1890, huyện Thần Khê, tỉnh Hưng Yên được chuyển về tỉnh Thái Bình.

- Trong năm 1891, Toàn quyền Đông Dương ra hai bản Nghị định (ngày 12/4/1891) và Quyết định (ngày 23/11/1891) để bãi bỏ đạo Bãi Sậy, nhập các huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm vào tỉnh Hưng Yên. Riêng huyện Cẩm Lương, phần thuộc Cẩm Giàng trả về nơi cũ, phần thuộc Lương Tài - Siêu Loại đưa vào Văn Lâm, Mỹ Hào.

- Ngày 28/11/1894, huyện Tiên Lữ từ phủ Tiên Hưng chuyển sang phủ Khoái Châu; hai huyện còn lại là Hưng Nhân và Diên Hà sáp nhập vào tỉnh Thái Bình.

- Ngày 15/8/1946, Ủy ban Hành chính Bắc Bộ ra Nghị định số 1216 về việc thành lập thị xã Hưng Yên.

- Ngày 6/6/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 79-NV-QP/NgĐ, huyện Văn Giang trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, Khu XII, nay thuộc Khu III. Huyện Văn Lâm trước thuộc tỉnh Hưng Yên, Khu III, nay thuộc Khu XII.

- Ngày 20/10/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 167-NV-QP/NgĐ, quy định huyện Văn Lâm trước thuộc quyền của Ủy ban kháng chiến Khu XII, nay sáp nhập vào tỉnh Hưng Yên và dưới quyền kiểm soát của Ủy ban kháng chiến Khu III về phương diện kháng chiến và hành chính.

- Ngày 28/11/1948, Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 263-SL sáp nhập huyện Gia Lâm (kể cả xã Ngọc Thụy) thuộc tỉnh Bắc Ninh vào tỉnh Hưng Yên.

- Ngày 17/11/1949, Chủ tịch nước ban hành Sắc lệnh số 127/SL đưa toàn bộ huyện Gia Lâm và xã Ngọc Thụy trở lại tỉnh Bắc Ninh.

- Ngày 26/1/1968, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/ TVQH phê chuẩn việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, đặt tỉnh lỵ tại thị xã Hải Dương.

- Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58-CP về việc hợp nhất một số huyện thuộc tỉnh Hải Hưng: Hợp nhất hai huyện Văn Giang và Yên Mỹ thành huyện Văn Yên; hai huyện Văn Lâm và Mỹ Hào thành huyện Văn Mỹ.

- Ngày 24/2/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 70/CP, hợp nhất hai huyện Kim Động và Ân Thi thành huyện Kim Thi; huyện Văn Mỹ và Văn Yên (trừ các xã cũ của huyện Văn Giang) thành huyện Mỹ Văn; huyện Khoái Châu, 9 xã của huyện Văn Giang cũ và 5 xã của huyện Yên Mỹ cũ thành huyện Châu Giang; 2 huyện Phù Cừ và Tiên Lữ thành huyện Phù Tiên.

- Ngày 27/1/1996, Chính phủ ra Nghị định số 05/CP tách huyện Kim Thi thành hai huyện: Kim Động và Ân Thi.

- Ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập, có diện tích tự nhiên là 894,79 km2, gồm 6 đơn vị hành chính cấp huyện (thị xã Hưng Yên và các huyện: Mỹ Văn, Châu Giang, Ân Thi, Kim Động, Phù Tiên); 159 xã, phường, thị trấn.

- Ngày 24/2/1997, Chính phủ ra Nghị định số 17/NĐ-CP chia huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ.

- Ngày 24/7/1999, Chính phủ ra Nghị định số 60/NĐ-CP tách 2 huyện Mỹ Văn và Châu Giang thành 5 huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Khoái Châu. Riêng huyện Văn Giang gồm 9 xã của Châu Giang và 2 xã của Mỹ Văn; huyện Yên Mỹ gồm 12 xã của Mỹ Văn và 5 xã của Châu Giang.

- Ngày 19/1/2009, Chính phủ ban hành Nghị định số 04/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh Hưng Yên.

- Ngày 13/3/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 656/NQ-UBTVQH14 về việc thành lập thị xã Mỹ Hào thuộc tỉnh Hưng Yên.

Sau nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính, đến nay tỉnh Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ, thị xã Mỹ Hào và thành phố Hưng Yên; 161 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 139 xã, 14 phường và 8 thị trấn, với diện tích đất tự nhiên 93.022,44 ha, dân số 1.255.839 người, mật độ dân số 1.265 người/km2 .

Cổng vào Văn miếu Xích Đằng

Câu 3: Những giá trị truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hưng Yên trải qua 190 năm xây dựng và phát triển?

Gợi ý trả lời:

Những giá trị truyền thống tốt đẹp của nhân dân Hưng Yên trải qua 190 năm xây dựng và phát triển:

Một là, truyền thống thượng võ, yêu nước nồng nàn và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Hai là, truyền thống đoàn kết, hòa nhập với thiên nhiên chế ngự thiên tai, dịch họa, dựng xây quê hương, đất nước.

Ba là, truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng nhân tài cho đất nước.

Bốn là, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt khó vươn lên.

Năm là, truyền thống nhân nghĩa, tương thân tương ai, sống có nghĩa tình, thủy chung.

Câu 4: Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập trong hoàn cảnh nào? Ý nghĩa lịch sử và nhiệm vụ trước mắt của Đảng bộ tỉnh sau khi được thành lập?

Gợi ý trả lời:

- Hoàn cảnh: Từ đầu những năm 1940, phong trào cách mạng ở Hưng Yên đã có những bước phát triển mới, tuy nhiên, các phòng trào này hoạt động còn mang tính riêng lẻ, thiếu tính liên kết. Sự phát triển của phong trào đòi hỏi các tổ chức cơ sở cần có một sự lãnh đạo thống nhất để chỉ đạo chung.

- Hội nghị thành lập Đảng bộ tỉnh: Đầu tháng 7-1941, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc Kỳ, Hội nghị các chi bộ Đảng trong tỉnh được tổ chức ở Ninh Thôn (huyện Ân Thi). Hội nghị thảo luận tình hình trong nước, quốc tế, học Nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941).

Hội nghị đã bàn bạc và thống nhất quyết định những vấn đề chính:

+ Chuyển Mặt trận Phản đế thành Mặt trận Việt Minh và gây dựng thêm cơ sở mới, chắp lại những mối cũ, mở rộng những cơ sở sẵn có.

+ Vận động quần chúng đấu tranh (đặc biệt ủng hộ phong trào Du kích Bắc Sơn).

+ Tích cực chống khủng bố của địch, lúc này địch tập trung khủng bố một số cơ sở ở huyện Kim Động như Tạ Xá Thượng, Phán Thủy; địch bắt đồng chí Nguyễn Văn Trạch (tức Hồng Quang) và một số hội viên phản đế.

+ Cử Ban Chấp hành lâm thời, gồm 05 đồng chí: Liệu, Vũ, Biểu, Thọ, Ái. Đồng chí Liệu (Nguyễn Thanh Liệu) được cử làm Bí thư.

- Ý nghĩa: Hội nghị các chi bộ Đảng trong tỉnh ở Ninh Thôn có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu bước phát triển lớn của phong trào phản đế ở địa phương, là kết quả sự vận động bền bỉ của quần chúng, chủ yếu là nông dân; là mốc đánh dấu việc chính thức thành lập Đảng bộ của tỉnh Hưng Yên, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng trong tỉnh từ sau khi chi bộ Đảng đầu tiên ra đời vào cuối năm 1929. Đây chính là bước ngoặt lớn trong phong trào cách mạng của tỉnh Hưng Yên giai đoạn mới.

- Nhiệm vụ trước mắt: Kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân tham gia Mặt trận Việt Minh, gia nhập đoàn thể Cứu quốc; vận động phong trào ủng hộ và hưởng ứng khởi nghĩa Bắc Sơn; mở rộng và phát triển các cơ sở Đảng.

Câu 5: Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã trải qua bao nhiêu kỳ đại hội? Thời gian diễn ra các kỳ đại hội đó?

Gợi ý trả lời:

Đầu tháng 7-1941, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập ở Ninh Thôn (huyện Ân Thi). Sau 80 năm thành lập, Đảng bộ tỉnh đã trải qua 19 kỳ Đại hội.

Thời gian diễn ra 19 kỳ đại hội đó là:

* Trước khi hợp nhất với tỉnh Hải Dương (giai đoạn 1941-1967 diễn ra 6 kỳ Đại hội)

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ I được tiến hành vào tháng 5/1947 tại Trà Bồ (xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ). Dự Đại hội có 150 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ II được tiến hành vào tháng 02/1948, tại đình Hoàng Xá (xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ). Dự Đại hội có 197 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ III được tiến hành vào tháng 7/1949 tại thôn Lệ Chi (xã Thuỵ Lôi, huyện Tiên Lữ). Dự Đại hội có 150 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IV được tiến hành vào tháng 3/195 tại Hội trường Trường Đảng tỉnh. Dự Đại hội có 131 đại biểu chính thức và 14 đại biểu dự khuyết.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ V được tiến hành 2 vòng:

Vòng 1 từ ngày 27/6 đến ngày 06/7/1960 tại thị xã Hưng Yên. Dự Đại hội có 225 đại biểu chính thức, 18 đại biểu dự khuyết và 19 đại biểu chỉ định.

Vòng 2 từ ngày 21/3 đến ngày 29/3/1961 tại thị xã Hưng Yên. Dự Đại hội có 225 đại biểu chính thức.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI được tiến hành vào tháng 9/1963, tại Hội trường Trường Đảng tỉnh. Dự Đại hội có 242 đại biểu chính thức và 18 đại biểu dự khuyết.

* Thời kỳ hợp nhất với Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng (giai đoạn 1967-1996 diễn ra 7 kỳ Đại hội)

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ I được tổ chức từ ngày 23/3 đến ngày 01/4/1975 tại Hội trường lớn tỉnh (thị xã Hải Dương). Dự Đại hội có 450 đại biểu chính thức, 45 đại biểu dự khuyết.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ II được tiến hành theo hai vòng tại Hội trường lớn (thị xã Hải Dương).

Vòng 1, Đại hội tổ chức từ ngày 11/11 đến ngày20/11/1976. Dự Đại hội có 502 đại biểu chính thức. 

Vòng 2, Đại hội tổ chức từ ngày 03/4 đến ngày 14/4/1977. Dự Đại hội có 487 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ III được tổ chức từ ngày 30/10 đến ngày 03/11/1979, tại Hội trường lớn (thị xã Hải Dương). Dự Đại hội có 500 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV được tiến hành 2 vòng tại Hội trường lớn (thị xã Hải Dương).

Vòng 1, Đại hội tổ chức từ ngày 06/01 đến ngày 15/01/1982. Dự Đại hội có 522 đại biểu.

Vòng 2, Đại hội tổ chức từ ngày 25/01 đến ngày29/01/1983. Dự Đại hội có 496 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ V, được tiến hành từ ngày 20/10 đến ngày 25/10/1986, tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hải Dương). Dự Đại hội có 505 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần VI được tiến hành theo 02 vòng tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hải Dương).

Vòng 1, Đại hội tổ chức từ ngày 28/3 đến ngày 30/3/1991. Dự Đại hội có 405 đại biểu chính thức.

Vòng 2, Đại hội tổ chức từ ngày 15/8 đến ngày 17/8/1991. Dự Đại hội có 403 đại biểu chính thức.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VII được tiến hành từ ngày 06/5 đến ngày 09/5/1996, tại Nhà văn hoá Trung tâm tỉnh (thị xã Hải Dương). Dự Đại hội có 350 đại biểu.

* Thời kỳ tái lập tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 1997-2020 diễn ra 6 kỳ Đại hội)

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIV được tổ chức từ ngày 11/11 đến ngày 13/11/1997, tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hưng Yên). Dự Đại hội có 250 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XV được tổ chức từ ngày 01/01 đến ngày 04/01/2001, tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hưng Yên). Dự Đại hội có 250 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVI được tổ chức từ ngày 18/12 đến ngày 21/12/2005, tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh (thị xã Hưng Yên). Dự Đại hội có 289 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVII được tổ chức từ ngày 19/9 đến ngày 21/9/2010 tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thành phố Hưng Yên). Dự Đại hội có 315 đại biểu.

- Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XVIII được tổ chứ từ ngày 31/10 đến ngày 02/11/2015 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên. Dự Đại hội có 332 đại biểu.

  - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX được tổ chức từ ngày 24 đến ngày 26/10/2020 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên. Dự Đại hội có 339 đại biểu. 

Câu 6: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên, hãy kể những lần Người về thăm và làm việc đó?

Gợi ý trả lời:

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 10 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân Hưng Yên.

 Lần thứ nhất, ngày 10/01/1946

Bác về thăm Hưng Yên, nói chuyện với cán bộ và nhân dân thị xã Hưng Yên, động viên phong trào đắp đê chống lụt. Người căn dặn nhân dân Hưng Yên: “Tôi chỉ có một lời là chúng ta phải hết sức thương yêu nhau, đoàn kết chặt chẽ và làm việc để giúp đỡ đồng bào kháng chiến đánh Pháp và giúp đỡ đồng bào cứu đói”.

Lần thứ hai, ngày 21/10/1946

Sau khi kết thúc chuyến thăm nước Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước bằng tàu biển. Bác đi từ Hải Phòng đến Hà Nội bằng tàu hoả, tới ga Đình Dù (huyện Văn Lâm), Bác đã dừng lại và nói chuyện với cán bộ nhân dân ra chào đón Bác. Bác căn dặn Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên: “Phải chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vũ khí, tinh thần, sẵn sàng chiến đấu, đề phòng quân thù bội ước”.

Lần thứ bangày 05/01/1958

Sau khi làm việc với các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bác đã nói chuyện với cán bộ tỉnh, huyện, xã về chống hạn sản xuất. Bác động viên nhân dân Hưng Yên: “Việc chống hạn là một chiến dịch, cho nên phải có thưởng, có phạt. Cá nhân cán bộ, đồng bào nào xuất sắc nhất sẽ được khen thưởng. Những người nào lười biếng, trốn tránh trách nhiệm là phải phạt. Tôi tin chắc đồng bào Hưng Yên sẽ giữ được truyền thống anh dũng trong kháng chiến và chống hạn mấy năm trước”.

14 giờ chiều cùng ngày, Người về thăm đồng bào Tiên Lữ đang vét ngòi Triều Dương và dân công đào sông Chợ Thi - Phố Giác. Tại đây nói chuyện với cán bộ dân công, Người nói: “Làm thủy lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời”. (Sau ngày Bác về thăm, con sông này được mang tên là sông Bác Hồ).

Lần thứ tư, ngày 03/7/1958

Bác về dự và nói chuyện với Đại hội thi đua sản xuất vụ mùa giỏi tỉnh Hưng Yên. Sau khi nói chuyện với đại biểu tại Đại hội, Người ra nói chuyện với đoàn đại biểu nhân dân thị xã Hưng Yên tại Văn phòng Uỷ ban hành chính tỉnh bên hồ Bán Nguyệt. Bác đã động viên nhân dân Hưng Yên quyết tâm chống hạn và thưởng Huy hiệu cho một xã có thành tích chống hạn khá nhất. Buổi chiều, Bác về thăm nhân dân xã Vạn Xuân (nay là xã Đình Dù, huyện Văn Lâm) - nơi có thành tích đào giếng lấy nước cứu lúa. Tại đây, Bác đã nhắc nhở cán bộ và nhân dân: “Toàn dân đoàn kết một lòng, đập đá thì núi vỡ, đào sông thì nước về”; xây dựng tổ đổi công; thanh toán nạn mù chữ và giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh mùa hè.

Lần thứ nămngày 20/9/1958

Bác về thăm công trường Đại thuỷ nông Bắc - Hưng - Hải. Tại đây Bác nói chuyện với nhân dân các địa phương đang làm việc tại công trường. Người nói: “Công trình Bắc - Hưng - Hải thành công thì mỗi năm đồng bào đỡ mấy triệu công chống hạn, thu hoạch lại tăng thêm”.

Lần thứ sáu, ngày 16/10/1958

Bác về thăm công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải. Bác đã đến thăm công trường tại sông Đình Dù đoạn Như Quỳnh, Chợ Đậu (huyện Văn Lâm). Bác đã kịp thời động viên, biểu dương, tặng thưởng Huy hiệu cho các đơn vị và cá nhân đạt thành tích xuất sắc và động viên “các cô, các chú đoàn kết chặt chẽ, khắc phục khó khăn, thi đua giúp đỡ lẫn nhau, làm nhanh, tốt, có nước cho vụ chiêm sắp tới, giành thắng lợi”.

Lần thứ bảyngày 25/10/1958

Bác về thăm công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ ba. Bác đã nói chuyện với cán bộ, dân công đang làm tại công trường và động viên mọi người hăng hái thi đua lập nhiều thành tích để công trình hoàn thành trước kế hoạch.

Lần thứ támngày 20/2/1959

Bác về thăm công trường Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải lần thứ tư. Bác đến thăm anh chị em công nhân đang làm việc ở cống Xuân Quan (Văn Giang) và thăm nhân dân xã Bát Tràng (nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Lần thứ chínngày 15-16/9/1961

Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và nói chuyện tại Hội nghị Thủy lợi toàn miền Bắc (họp tại Hưng Yên). Với thành tích xuất sắc về công tác thủy lợi, Bác đã trao cờ Làm thủy lợi khá nhất cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên.

Bác cũng đã về thăm và nói chuyện với cán bộ và nhân dân xã Nghĩa Dân, huyện Kim Động. Bác căn dặn: “Nghĩa Dân là “Dân có nghĩa” phải ra sức tăng gia, sản xuất, thực hành tiết kiệm tốt, làm gương cho các xã khác”. Khi đến thăm nhà mẫu giáo Nghĩa Dân, Bác căn dặn các cô giáo và cán bộ phải quan tâm, chăm sóc thế hệ mầm non. Bác nói: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”.

Lần thứ mườingày 5/2/1966

Bác về thăm và động viên đơn vị công binh đang diễn tập bắc cầu phao trên sông Hồng và nói chuyện với dân quân trực chiến tại xã Mễ Sở, huyện Văn Giang.

Câu 7: Những kết quả nổi bật về kinh tế tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015-2020? Trên cơ sở đó, nêu lên nhận định của cá nhân so với kinh tế thời điểm mới tái lập tỉnh?

Gợi ý trả lời:

* Những kết quả nổi bật về phát triển kinh tế tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2015 - 2020:

- Kinh tế duy trì phát triển ổn định với chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tiềm lực, quy mô kinh tế tăng lên; quy mô kinh tế năm 2020 theo giá hiện hành đạt trên 102 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1,73 lần so với năm 2015. Các chỉ tiêu đạt và vượt, có chỉ tiêu vượt trước, vượt cao so với kế hoạch; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế.

Bình quân giai đoạn 2016 - 2020: Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 8,38%/năm, trong đó: nông nghiệp - thủy sản tăng 2,78%/năm, công nghiệp - xây dựng tăng 10,3%/năm; thương mại - dịch vụ tăng 6,84%/năm. Kim ngạch xuất khẩu bình quân tăng 16,19%/năm.

- Thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng đạt kết quả tích cực, đột phá trong hạ tầng giao thông, xây dựng khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN):

+ Tỉnh đã thu hút 816 dự án đầu tư, tăng 34,4% so với giai đoạn 2011 - 2015. Cơ cấu thu hút đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào dự án sử dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

+ Đã quy hoạch 13 KCN tập trung với quy mô 3.048 ha; mở rộng 1 KCN và thành lập thêm 3 KCN, nâng tổng số lên 7 KCN đi vào hoạt động, với 1.779 ha đất KCN được triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng; thành lập 13 CCN với tổng diện tích 660 ha; nâng tổng số 24 CCN với tổng diện tích trên 1.300 ha.

+ Hoàn thành đầu tư hơn 1.000 km đường giao thông ở các cấp đường; hoàn thành cải tạo, xây dựng 27 trạm bơm, nâng cấp, sửa chữa trên 400 km kênh mương; hạ tầng lưới điện được quan tâm đầu tư; 100% xã, phường, thị trấn được cung cấp dịch vụ Internet, mạng cáp quang và phủ sóng di động 4G.

- Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả vượt bậc:

+ Cơ cấu sản xuất nông nghiệp được chuyển dịch tích cực, tăng năng suất, chất lượng; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2020 tăng gấp 1,14 lần so với năm 2015. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Chăn nuôi phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, tập trung theo mô hình VietGap. Thủy sản phát triển ổn định, sản lượng nuôi trồng đạt trên 46 nghìn tấn, tăng trên 34% so với năm 2015.

+ Năm 2019, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2020, có 10/10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, có 28 xã hoàn thành tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020.

- Thương mại, dịch vụ và du lịch phát triển khá: Giá trị sản xuất năm 2020 ước đạt 24.835 tỷ đồng, tăng gấp 1,43 lần so với năm 2015; bình quân giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tăng 10,3%/năm. Hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh; tổ chức nhiều sự kiện quảng bá, giới thiệu, kết nối cung cầu tiêu thụ hàng hóa cấp tỉnh, khu vực và tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại quốc tế. Phát triển du lịch được chú trọng, tăng trưởng đạt 12,5%/năm.

- Công tác tài chính ngân sách đạt kết quả tích cực và nổi bật: Từ năm 2017, Hưng Yên tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương 7%. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân đạt gần 13%/năm; tổng thu ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 đạt 65.623  tỷ đồng, gấp trên 2,1 lần tổng thu ngân sách giai đoạn 2011 - 2015. Chi ngân sách bảo đảm chế độ, tiết kiệm, hiệu quả và đúng quy định, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi; tăng chi đầu tư, an sinh xã hội; chi ngân sách bình quân tăng 6,49%/năm.

- Quản lý đất đai, tài nguyên được tăng cường, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường:

+ Hoàn thành điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) của tỉnh và điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất các năm của 10 huyện, thị xã, thành phố. Công tác kiểm tra, xử lý giải tỏa vi phạm xây dựng công trình, nhà ở trên đất nông nghiệp, hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi đạt kết quả tích cực.

+ Đề án bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh được triển khai tích cực; ý thức bảo vệ môi trường của người dân và cộng đồng xã hội được nâng lên rõ rệt. 100% số thôn, khu dân cư thành lập tổ tự quản thu gom rác thải. Công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN được tăng cường; xử lý có hiệu quả các cơ sở gây ô nhiễm.

- Các thành phần kinh tế được quan tâm phát triển:

+ Công tác sắp xếp, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thực hiện đúng lộ trình và đạt kết quả tích cực; đến nay, tỉnh còn 02 doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

+ Kinh tế tập thể phát triển cả về số lượng và chất lượng; thành lập mới được 165 hợp tác xã; sắp xếp lại về quy mô, lĩnh vực hoạt động phù hợp với yêu cầu thực tế; bước đầu có sự liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã với nhau và giữa hợp tác xã với cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp.

+ Khu vực kinh tế tư nhân phát triển nhanh; các doanh nghiệp trên địa bàn đã tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và quy mô. Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề tiếp tục phát triển.

* Nhận định:

- Năm 1997: Cơ cấu công nghiệp, xây dựng 20% - nông nghiệp 52% - dịch vụ 28%; thu ngân sách đạt khoảng 82 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người là 205 USD.

- Năm 2020: Cơ cấu công nghiệp - xây dựng 61,5%; nông nghiệp – thủy sản 9,65%; thương mại - dịch vụ 28,85%; tổng thu ngân sách đạt 14.865 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 10.565 tỷ đồng; tổng sản phẩm bình quân đầu người 79,57 triệu đồng.

Như vậy, sau 25 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ; kinh tế hàng năm đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp, xây dựng tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp; đời sống nhân dân ổn định và ngày càng nâng cao. Hưng Yên từ một tỉnh nằm trong nhóm 3 tỉnh có số thu thấp nhất cả nước, đến năm 2017 đã nằm trong nhóm 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có đóng góp với ngân sách Trung ương.

Câu 8: Kết quả nổi bật của phong trào xây dựng nông thôn mới tỉnh Hưng Yên đến năm 2020?

Gợi ý trả lời:

- Ngày 12/11/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1791/QĐ-TTg công nhận tỉnh Hưng Yên hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Đã có 10/10 huyện, thành phố, thị xã; 145/145 xã đã được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành xây dựng NTM. Nhân dân rất phấn khởi, hài lòng với những kết quả xây dựng nông thôn mới mà cấp ủy, chính quyền các cấp, ngành ở tỉnh Hưng Yên triển khai thực hiện.

- Kết quả cụ thể:

+ Huy động nguồn lực: Tổng kinh phí đã thực hiện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011-2020 là: 143.029 tỷ đồng, trong đó nguồn lực từ cộng đồng dân cư và vốn khác: 48.809  tỷ đồng (chiếm 34,13%).

+ Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2020 đạt 6,46%. Kinh tế công nghiệp phát triển. Kinh tế nông nghiệp luôn duy trì sự tăng trưởng ổn định; xuất khẩu nông nghiệp tăng; dịch vụ nông thôn phát triển nhanh, đa dạng.

+ Thu nhập bình quân đầu người 80 triệu đồng/người/năm; khu vực nông thôn đạt 45 triệu đồng/người, tăng 3,6 lần so với năm 2011; giá trị thu bình quân đạt 202,5 triệu đồng/ha/năm.

+ Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 95%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,0%.

+ Tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt 90,5%.

+ Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96,7%; không còn hộ dân ở nhà tạm, dột nát; tỷ lệ nhà đạt chuẩn của Bộ Xây dựng đều đạt 100%.

+ Môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực; vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan môi trường có nhiều tiến bộ.

+ Hệ thống thủy lợi: Hàng năm, hệ thống thủy lợi đảm bảo chủ động tưới, tiêu cho 49.733 ha đất sản xuất nông nghiệp (đạt 92%).

+ Điện nông thôn: Trên địa bàn tỉnh có 3.775 trạm biến áp/4.232 máy biến áp, với tổng công suất 2.736.926 kVA và 7.102 km đường dây hạ thế.

+ Giáo dục: Tỷ lệ phòng học kiên cố cao tầng ở bậc mầm non là 54,5%, bậc tiểu học là 80,1%, THCS 88,6%, THPT 81,3%, giáo dục thường xuyên 73,6%.. Chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn ngày càng được củng cố và nâng cao; từng bước nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

+ Văn hóa: có 118 xã, phường, thị trấn có Trung tâm Văn hoá - Thể thao (chiếm 73%); 43 xã, phường, thị trấn có hội trường đa năng và khu hoạt động thể thao (chiếm 27%); 753/832 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá, khu hoạt động thể thao (chiếm 90,5%); 79 thôn, tổ dân phố sử dụng đình làng làm nơi sinh hoạt cộng đồng (chiếm 9,5%); 161/161 xã, phường, thị trấn đã quy hoạch và sử dụng hệ thống cơ sở vật chất văn hóa hiện có của địa phương làm địa điểm vui chơi, giải trí và thể thao cho trẻ em và người cao tuổi.

 + Cơ sở hạ tầng thương mại: có 107 chợ (trong đó có 09 chợ hạng I; 09 chợ hạng II và 89 chợ hạng III).

 + Thông tin và Truyền thông: Có 159 điểm phục vụ bưu chính viễn thông (gồm: 01 bưu cục trung tâm, 09 bưu cục cấp II, 34 bưu cục cấp III và 115 điểm Bưu điện văn hóa xã).

  + Về Y tế: Trạm y tế của 161/161 xã, phường, thị trấn đều được UBND tỉnh công nhận đạt Bộ tiêu chí quốc gia về Y tế xã giai đoạn đến năm 2020, có 91,9% số trạm y tế có bác sỹ làm việc, 100% các thôn có y tế thôn, tổ dân phố.

Câu 9: Quan điểm và định hướng phát triển tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020-2025; tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2030, năm 2037, năm 2045 đã được chỉ ra tại Đại đội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX?

Gợi ý trả lời:

1. Quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025

Một là, phát triển tỉnh Hưng Yên phù hợp với Chiến lược phát triển của cả nước và của Vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, đồng bộ quy hoạch phát triển vùng và Quốc gia. Duy trì tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức cao hơn bình quân chung cả nước và khu vực, cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, trên cơ sở tập trung thu hút đầu tư, nhất là tập đoàn đa quốc gia, các dự án công nghệ cao, tạo động lực phát triển; quan tâm đầu tư phát triển các khu công nghiệp hiện đại, khu đô thị lớn, nông nghiệp hàng hóa hiệu quả, giá trị gia tăng cao, an toàn và bền vững.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá của Trung ương và của tỉnh; chú trọng đột phá về cơ sở hạ tầng, trọng tâm là giao thông; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư; chú trọng đổi mới sáng tạo, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có thế mạnh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, khơi dậy khát vọng và khai thác tiềm năng, tạo động lực mới cho phát triển.

Ba là, tiếp tục phát huy nội lực và lợi thế, tận dụng cơ hội, tăng cường thu hút mọi nguồn lực, phát triển toàn diện, nhanh và bền vững; quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; chú trọng xây dựng đô thị thông minh, nông thôn mới kiểu mẫu, từng bước chủ động trong quá trình đô thị hóa ở nông thôn.

Bốn là, giữ vững định hướng phát triển trên cả 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sạch; hướng tới đô thị thông minh; thương mại điện tử phát triển; tăng nhanh tỷ trọng kinh tế số trong GRDP; kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ với tầm nhìn dài hạn; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao; ô nhiễm môi trường khu, cụm công nghiệp và lưu lưu vực sông được kiểm soát. Bảo đảm nguồn lực phù hợp cho phòng, chống dịch bệnh. Quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; đồng thuận của Nhân dân là sự bảo đảm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị ở địa phương. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Giữ vững quốc phòng, an ninh. Tiếp tục mở rộng quan hệ đối ngoại và ngoại giao Nhân dân với các nước, các đối tác quốc tế.

2. Tầm nhìn, định hướng phát triển đến năm 2030, năm 2037 và năm 2045

Đến năm 2030: Xây dựng Hưng Yên giàu, đẹp, văn minh, có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; GRDP bình quân đầu người trong nhóm dẫn đầu cả nước, đạt trên 8.500 USD/người, thu nhập của người dân khu vực nông thôn cao gấp hơn 2 lần so với năm 2020; nền kinh tế số chiếm trên 30% GRDP; có các khu đô thị lớn, nông thôn mới kiểu mẫu; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững; cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Đến năm 2037, năm 2045: Trước năm 2037 – 40 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2045, Hưng Yên là thành phố thông minh; phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng.

Câu 10: Viết lên cảm nhận của bản thân về những đổi thay của tỉnh Hưng Yên kể từ sau tái lập tỉnh đến nay? Với thực tế công việc hiện tại, bạn cần làm gì để góp phần xây dựng tỉnh Hưng Yên phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới (bài viết không quá 1.000 từ)?