Thông báo

LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG)

Từ 2022, Quốc hội tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực

Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã ban hành Luật 67/2020/QH14 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cụ thể, so với Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính được thay đổi theo hướng: Tăng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực bao gồm Giao thông đường bộ; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Cơ yếu; Quản lý và bảo vệ biên giới quốc gia; Giáo dục; Điện lực; Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Thủy lợi; Báo chí; Kinh doanh bất động sản.

Bên cạnh đó, Luật này cũng bổ sung quy định mức phạt tiền tối đa của một số lĩnh vực như: Tín ngưỡng; Đối ngoại; Cứu nạn; Cứu hộ; In; An ninh mạng; An toàn thông tin mạng; Kiểm toán Nhà nước; Cản trở hoạt động tố tụng.

Đồng thời, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định về hoãn, giảm, miễn tiền phạt tại Điều 76 và Điều 77 Luật Xử lý vi phạm hành chính theo hướng bổ sung quy định tổ chức cũng được hoãn, giảm miễn tiền phạt để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho tổ chức/doanh nghiệp khi gặp khó khăn về tài chính do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ (Khoản 37, 38 Điều 1 Luật 67/2020/QH14).

Ngoài ra, Luật bổ sung một số chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc các lực lượng (Cơ quan) như: Kiểm ngư (Điều 43a); Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Điều 45a); Kiểm toán Nhà nước (Điều 48a)…

Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2022.

Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020:
- Sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự 2008Luật Hải quan năm 2014Luật Thủy sản 2017;
- Làm hết hiệu lực một phần Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

Xem chi tiết Luật 67/2020/QH14 (ĐÍNH KÈM)